VÌ MỘT NGHỀ NUÔI YẾN PHÁT TRIỂN VỮNG CHẮC

Nội dung bài viết

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nghề khai thác tổ yến đã có từ lâu đời, nhưng nghề nuôi yến (xây nhà để dẫn dụ yến vào ở) tại Việt Nam còn khá mới mẻ.

Những năm cuối thập niên 1990, nhiều địa phương đã phát hiện một số ngôi nhà cổ (đặc biệt là các ngôi nhà theo kiến trúc của Pháp với lối thiết kế cao, rộng) có đàn yến vào sinh sống một cách tự nhiên. Nhiều người đã thu hoạch được tổ yến từ đàn yến sống trong nhà (ở các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Tiền Giang…). Có thể nói, đây là thời điểm khởi động cho công nghệ nuôi yến lấy tổ ở Việt Nam.

Theo SFA, việc xuất hiện (xây dựng) ngôi nhà yến đầu tiên ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TPHCM) vào năm 2003 đã đánh dấu giai đoạn chuyển đổi thật sự từ nghề khai thác tổ yến (yến sào) tự nhiên ở các đảo sang dẫn dụ yến vào nhà ở để làm tổ. Cũng theo SFA, tốc độ xây dựng nhà yến mới tăng 23% – 25%/năm. Hiện nay, ở 41 tỉnh/thành có khoảng 6.000 nhà yến, không chỉ trải dọc vùng ven biển miền Trung đến ven biển cực Nam, mà còn ở khu vực Đông Nam bộ lên Tây Nguyên. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Ninh Bình và TP Hải Phòng cũng xuất hiện nhà yến.

TP Hồ Chí Minh hiện có 542 nhà yến ở 19 quận, huyện, trong đó Cần Giờ chiếm nhiều nhất với 231 nhà. Năm 2015, sản lượng tổ yến đạt hơn sáu tấn. Sắp tới, các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 9 sẽ được quy hoạch để phát triển thêm, còn huyện Nhà Bè cũng có nuôi yến nhưng không có chủ trương phát triển, mở rộng.

Lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng phát triển nghề dẫn dụ yến ở nước ta là rất lớn, nhưng việc nghiên cứu kỹ thuật nuôi và chăm sóc yến để đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao trong điều kiện nuôi trong nhà lại chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến chưa được thực hiện, trong khi nghề dẫn dụ yến vào nhà còn mang tính tự phát nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc dẫn dụ yến vào nhà làm tổ đã trở thành một nghề đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nhà khoa học hàng đầu và uy tín nghiên cứu về yến nhà, đã lo ngại nhắc nhở: Cần tính đến sự cân bằng sinh học giữa đàn yến, nguồn thức ăn và nhà yến, để hạn chế tình trạng thất bại.

Thông tin về các trường hợp thành công đã làm cho nhiều người tuy chưa hiểu biết nhiều về yến mà chỉ có năng lực tài chính cũng lao vào tìm nơi xây nhà yến. Trong thực tế, người thất bại không phải là số ít, nếu không nói là khá cao. Nhiều người đã phải ngậm đắng khi bỏ tiền tỷ ra xây nhà dẫn dụ mà yến không vào, thậm chí yến vào ở một thời gian lại vỗ cánh ra đi .

Nghề nuôi yến không đơn giản chỉ là việc xây nhà rồi dùng loa phát ra âm thanh dẫn dụ yến vào, mà đây là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp đa ngành. Cần có sự am hiểu về hệ sinh thái môi trường, sự cân bằng sinh học, hiểu biết về loài yến cũng như về kỹ thuật xây dựng nhà và kỹ thuật dẫn dụ. Không thể cứ có khả năng về vốn, mời nhà tư vấn kỹ thuật và xây dựng thi công là xong. Điều đáng nói, không phải nhà tư vấn kỹ thuật nào cũng am hiểu tường tận, đặt chữ tâm lên hàng đầu và có cùng trách nhiệm nếu việc xây nhà và dẫn dụ yến bị thất bại.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng Online

Nội dung bài viết